1. Các giá trị dinh dưỡng có trong rau muống
- Rau muống là loại giống cây thân thảo, mọc bò trên mặt nước hoặc trên đất bùn. Rau muống có thân dài, rỗng. Với giống rau muống mọc bò dưới nước, tại mỗi khớp sẽ có rễ ngắn bám xung quanh thân cây. Giá trị dinh dưỡng có trong rau muống gồm có vitamin A, B, C, canxi, phospho, các chất dinh dưỡng và đặc biệt là hàm lượng chất sắt dồi dào, phù hợp với những người có thể trạng thiếu sắt, muốn bổ sung thêm sắt.
2. Ăn rau muống có tác dụng gì?
Với những giá trị dinh dưỡng của rau muống thì việc sử dụng một cách hợp lý sẽ đem lại tác dụng như sau:
- Rau muống có tác dụng giảm cholesterol: Rau muống là một loại thực phẩm để những ai đang muốn giảm cân và giảm nồng độ cholesterol trong máu lựa chọn đúng đắn. Từ đó giảm gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
- Rau muống có tác dụng hỗ trợ điều trị thiếu máu: Rau muống có hàm lượng chất sắt dồi dào. Ăn rau muống đúng cách và hợp lý sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, giúp phụ nữ mang thai bổ sung đầy đủ chất sắt.
- Rau muống có tác dụng phòng chống tiểu đường: Những người bị tiểu đường ăn rau muống có khả năng giảm lượng đường huyết trong máu. Vì vậy, ăn rau muống có tác dụng phòng chống tiểu đường.
- Rau muống có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch: Rau muống chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu vitamin A, C và beta-carotene, những chất chống oxy hóa này giúp giảm mức cholesterol toàn phần, tránh hình thành các mảng lipid lắng đọng gây xơ vữa động mạch vành, từ đó giảm nguy cơ hình thành các cơn đau tim, đột quỵ. Bên cạnh đó, trong rau muống có chứa Magie, giúp giảm huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
- Rau muống có tác dụng điều trị bệnh vàng da và các vấn đề về gan: Trong y học, rau muống được dùng để điều trị bệnh vàng da và các vấn đề về gan. Ngoài ra, các chiết xuất dịch rau muống sẽ có công dụng hỗ trợ bảo vệ gan khỏi các tổn thương do hóa chất gây ra.
- Rau muống có tác dụng ngăn ngừa ung thư: Nếu con người sử dụng rau muống một cách hợp lý sẽ giúp cơ thể hấp thụ đến 13 chất chống oxy hóa, từ đó ngăn ngừa các yếu tố gây ung thư trực tràng, ung thư dạ dày hoặc ung thư da và ung thư vú...
- Điều trị chứng khó tiêu và táo bón nhờ rau muống: Rau muống rất giàu chất xơ nên có công dụng hỗ trợ tiêu hóa. Vì vậy, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa sẽ được cải thiện, giúp con người nhuận tràng, có lợi cho những người bị khó tiêu, táo bón. Bên cạnh đó, nước ép từ rau muống được dùng để điều trị nhiễm giun sán, chiết xuất dịch rau muống tẩy giun hiệu quả.
- Rau muống có tác dụng giúp mắt sáng khỏe: Trong rau muống có chứa hàm lượng vitamin A và lutein, là những dưỡng chất có lợi cho mắt, ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể.
- Điều trị bệnh về da: Ngọn rau muống có thể dùng làm thuốc đắp để điều trị một số bệnh về da, trị mụn trứng cá, bệnh chàm và bệnh vẩy nến hiệu quả. Bên cạnh đó, rau muống còn giúp giảm cảm giác đau, châm chích khi bị ngứa da do phát ban hoặc côn trùng cắn.
- Chống lão hóa và trẻ hóa da: Rau muống giàu chất chống oxy hóa, do vậy nó có tác dụng giúp ngăn chặn tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra. Từ đó, tăng cường khả năng chống lại các tác hại ảnh hưởng đến da, ngăn ngừa và đẩy lùi dấu hiệu lão hóa cho da.
- Bên cạnh những công dụng như trên, ăn rau muống hợp lý có thể giúp cho mái tóc chắc khỏe, nước ép rau muống còn kích thích cho quá trình mọc tóc, khắc phục tình trạng rụng tóc.
3. Bà bầu 1 tháng đầu ăn rau muống được không?
Với những lợi ích tốt như trên, chắc hẳn các mẹ bầu và sản phụ sau sinh cũng sẽ tìm hiểu liệu “bầu 1 tháng ăn rau muống được không? Hay ăn rau muống có mất sữa không?”... để thêm loại rau này vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của mình.
- Theo các chuyên gia, rau muống mang lại rất nhiều lợi ích cho các bà bầu cũng như sản phụ sau sinh. Tuy nhiên cần phải có chế độ ăn một cách điều độ.
- Khi mang thai, chị em phụ nữ ăn rau muống sẽ có lợi cho sức khỏe, cung cấp giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho cả mẹ và bé. Cụ thể như sau:
- Bà bầu ăn rau muống giúp bổ máu: Rau muống dồi giàu sắt, vì vậy khi mang thai nếu ăn rau muống phù hợp thì sẽ giúp mẹ bầu bổ sung hàm lượng sắt tự nhiên cho cơ thể, hạn chế tình trạng thiếu máu ở phụ nữ mang thai.
- Giúp kích thích tiêu hóa: Khi mang thai, tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở mẹ bầu. Trong rau muống có chứa nhiều chất xơ, giúp tăng nhu động ruột, kích thích tiêu hóa. Vì vậy, bà bầu ăn rau muống là phương thuốc hiệu quả giúp giảm và phòng chống rối loạn tiêu hóa.
- Phòng bệnh tiểu đường thai kỳ: Trong rau muống có chứa dưỡng chất giống insulin, ăn rau muống điều độ sẽ giúp bà bầu cân bằng lượng đường trong máu, phòng ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Thanh nhiệt cơ thể cho mẹ bầu, ổn định huyết áp trong quá trình mang thai: Dưỡng chất trong rau muống có công dụng ổn định huyết áp cũng như thanh nhiệt giải độc cơ thể, vì vậy ăn rau muống giúp hạn chế chứng đau đầu ở bà bầu, tốt cho sức khỏe hệ tim mạch của cả mẹ và bé.
- Bà bầu và phụ nữ sau sinh đều có thể ăn rau muống, nếu ăn rau muống đúng cách ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ thì đều sẽ không ảnh hưởng đến mẹ và bé.
4. Những lưu ý khi ăn rau muống
Dù là phụ nữ mang thai hay phụ nữ sau sinh và những người bình thường đều ăn được rau muống, nhưng cần lưu ý một số điều sau đây khi ăn rau muống nhằm phát huy tối đa hiệu quả của rau muống cũng như phòng ngừa các rủi ro không mong muốn:
- Chế biến rau muống chín kỹ: Trong rau muống có nhiều ký sinh trùng, ví dụ như ký sinh trùng sán lá ruột. Vì vậy khi ăn rau muống cần chế biến kỹ để tiêu diệt các ký sinh trùng gây bệnh cho cơ thể. Nên rửa sạch rau rồi ngâm nước muối loãng hoặc dung dịch rửa rau trong 30 phút!
- Ăn rau muống với liều lượng vừa phải: Sử dụng rau muống làm rau xanh bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng mỗi ngày là tốt, nhưng chỉ nên ăn với lượng vừa phải, không quá 300g/ngày.
- Các trường hợp không nên ăn rau muống: Những trường hợp suy nhược cơ thể nặng, hư hàn, có vết thương trên da thì không nên dùng rau muống. Đợi các triệu chứng trên khỏi hẳn thì mới nên dùng.